Được tạo bởi Blogger.

5/18/2012

Trà Đạo- Nét Đặc Trưng Của Nhật Bản


Đối với người Nhật, trà đạo( chadou, sadou, chanoyu) là một hình thức uống trà để giải trí trong một bầu không gian tĩnh lặng mà cả người chủ lần khách đều hướng đến sự thư giãn tinh thần và sự hòa hợp với thiên nhiên. Trà đạo bao gồm tất cả các yếu tố mang tính triết học Nhật Bản, nét thẩm mỹ và sự đan xen giữa bốn nguyên tắc cơ bản :wa-sự hài hòa (giữa con người và thiên nhiên), kei-sự tôn kính (đối với người khác), sei-sự tinh khiết( của tâm hồn) và jaku-sự yên tĩnh. Thường những buổi tiệc trà được tổ chức để tiếp đón những vị khách quý, hoặc trong những dịp đặc biệt như: hanami( ngắm hoa), thưởng ngoạn những đêm trăng rằm song đôi khi chỉ đơn giản là dịp để họp mặt bạn bè, người thân.

Lịch sử Trà đạo
Xét về lịch sử, trà đạo bắt nguồn từ việc uống matcha, một loại bột trà xanh được một số tu sĩ Nhật Bản đi du học và mang về từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ IIX. Lúc đầu matcha chỉ được dùng như một loại thuốc nhưng sau đó trở thành một loại thức uống xa hoa mà chỉ giới thượng lưu đương thời mới được thưởng thức. Nhà sư nổi tiếng thời đó là Zen Eíai( 1141-1215), đã coi việc uống matcha như một thứ tiêu khiển để làm tinh khiết tâm hồn, hòa nhập với thiên nhiên. Sau đó vào khoảng đầu thế kỷ XIV, matcha dần được sử dụng trong các buổi họp mặt của giới thượng lưu. Vào thời gian này, một số quy tắc của buổi tiệc trà đã được quy định bởi giới võ sĩ (samurai), giai cấp thống trị xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ. Nhà sư Sen no Rikyu (1522-1591), một trong những thương gia giàu có nhất thời đó đã kế thừa, sáng lập và hoàn thiện lễ nghi của một buổi tiệc trà. Sau đó ông trở thành ngườ truyền bá trà đạo nổi tiếng nhất của Nhật vào giữa thế kỷ XVI. Đến cuối thời Edo (1603-1868) thưởng thức trà đạo là đặc quyền của nam giới. Cho dến đầu thời Meiji ( 1868-1912) thì phụ nữ mới chính thức được tham dự tiệc trà.

Trải qua bao thời đại nhưng trà đạo vẫn luôn giữ được những nét đặc trưng của nó.
Ở Nhật Bản hiện nay ít người có điều kiện tham dự các buổi tiệc trà với đầy đủ nghi thức theo đúng nghĩa của nó. Thông thường thú tiêu khiển bằng trà đạo vẫn là đặc quyền của tầng lóp thượng lưu, ngoại trừ giới tu sĩ. Tuy nhiên nếu hỏi rằng hiên nay có nhiều người Nhật học trà đạo không thì câu trả lời sẽ là : Có. Hàng triệu người cả nam lẫn nữ, giàu và nghèo, đang theo học các lớp trà đạo của hơn 100  giáo phái khác nhau trên khắp nước Nhật. Cứ mỗi tuần, một số người dành khoảng 1 tiếng đồng hồ để đến các lớp dạy trà đạo gồm ba hoặc bốn học viên. Ở đó họ thay phiên nhau pha trà, phục vụ trà rồi lại đóng vai như người khách uống trà. Việc học trà đạo đòi hỏi học viên phải có sự hiểu biết sâu sắc và khả năng cảm thụ được sự kết hợp phức tạp giữa các yếu tố trực giác và tinh thần. Chính vì vậy, học tập để trở thành một thầy giáo dạy trà là rất khó, đòi hỏi thời gian và sự say mê. Một học viên có thể học thuộc các bước cơ bản để thực hiện một buổi tiệc trà hoàn chỉnh sau ba năm, nhưng để trở thành một giáo viên dạy trà chuyên nghiệp thì việc học hỏi, tìm hiểu sẽ không bao giờ kết thúc. Cho dù quy trình của buổi tiệc trà rất phức tạp đòi hỏi nhiều yếu tố, nhưng người Nhât vẫn học và họ cảm thấy rất thú vị  và xứng đáng. Mỗi buổi tiệc trà, theo hình thức nào đi nữa cũng luôn luôn góp phần làm cho con người quên đi những nhọc nhằn thường nhật, tâm hồn trở nên thanh thoát hơn và muốn hướng đến điều thiện hơn.
Học trà đạo từ bé
Qua việc học trà của người Nhật, chúng ta có thể nhận biết thêm một số nét đặc trưng của nền văn hóa Nhật Bản cũng như tính cách của họ. Mọi người Nhật đều được hưởng một nền giáo dục rất hoàn thiện ngay từ bậc tiểu học. Ngoài các giờ văn hóa chính quy tại trường, họ còn tham gia các khóa học để rèn luyện kỹ năng, tính cách và những điều cần thiết trong cuộc sống hàng ngày như nghệ thuật viết chữ đẹp, hội họa, âm nhạc, nghệ thuật cắm hoa, chăm sóc vườn, nội trợ, làm gốm, trà đạo. Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên nếu thấy chương trình của đứa trẻ học cấp một có cả học cách làm các loại bánh dân tộc mà buổi học này bắt buộc phải có bố hoặc mẹ tham gia. Trẻ em Nhật còn được dạy lễ nghi trong sinh hoạt gia đình, phong tục và truyền thống dân tộc. Chính vì vậy người Nhật có một phong cách và tính cách có thể nói là khá đặc biệt, khác với những người ở quốc gia khác. Lấy việc học trà đạo làm ví dụ, mỗi người trong quá trình luyện tập các bước của một buổi tiệc trà phải tỏ ra rất cung kính, lễ nghi như cúi gập mình khi chào hỏ, lễ phép, khiêm nhường khi nói chuyện. Thêm vào đó họ học được tính cẩn thận, tỉ mỉ, nhẹ nhàng, khéo léo và ngăn nắp khi thực hiện từng hành động một trong một chuỗi thao tác nhỏ của một buổi tiệc trà. Ngoài ra người học trà đòi hỏi phải có khiếu thẩm mỹ cao, có sự cảm nhận nghệ thuật để có thể trang trí phòng trà. Vì thế việc học trà đạo, ngoài việc thư giãn tinh thần còn mang tính giáo dục rất cao.

Thưởng thức Trà      

( St)

1 nhận xét:

  1. sẽ rất tuyệt vời nếu những tiệc trà chiều có trà đạo matcha của Nhật Bạn :)

    Trả lờiXóa