Được tạo bởi Blogger.

5/18/2012

Văn hoá ẩm thực Nhật Bản

I. LỊCH SỬ ẨM THỰC NHẬT BẢN:“Một phong cách rất riêng trong sự tổng hợp hài hoà các yếu tố ảnh hưởng từ nước ngoài”

Ẩm thực Nhật Bản được cho là ẩn chứa một linh hồn và mang tính triết lý cao. Một bàn ăn Nhật Bản là “một bộ sưu tập” các món ăn với sự kết hợp hài hoà và khéo léo giữa nhiều yếu tố: đặc điểm từng vùng địa phương; món ăn thay đổi theo mùa; ảnh hưởng lịch sử qua sự lựa chọn món ăn, kỹ thuật trưng bày; và thói quen ăn một vài món ăn trong một thời điểm nhất định trong năm. Trong đó quan trọng nhất là cách trưng bày món ăn được chuẩn bị một cách tỉ mỉ, chú ý đến từng chi tiết màu sắc, hình dáng của món ăn và các loại chén đĩa trên bàn ăn.

Văn hoá Nhật Bản có đặc điểm chung đó là sự kết hợp hài hoà giữa những yếu tố ảnh hưởng từ nước ngoài với yếu tố bản địa càng làm phong phú và đa dạng nhưng vẫn không làm phai nhạt yếu tố “linh hồn” Nhật Bản. Ẩm thực Nhật Bản cũng không là trường hợp ngoại lệ. Qua hơn nhiều năm ảnh hưởng cách nấu ăn được du nhập từ nước ngoài, ẩm thực Nhật Bản ngày nay là kết quả của sự vận dụng tài tình yếu tố ảnh hưởng nước ngoài nhưng được thay đổi để phù hợp với khẩu vị và “thẩm mỹ” của người Nhật, để lại cho ẩm thực Nhật Bản một phong cách rất riêng. Những ảnh hưởng từ nước ngoài mang tính lịch sử có thể thấy rõ trong sự lựa chọn của ẩm thực Nhật Bản, trong kỹ thuật chuẩn bị món ăn, trong tập quán ẩm thực, và trong sự chăm chút đến từng chi tiết, màu sắc, và sự cân đối hài hoà của từng dụng cụ ăn với nhiều sắc thái của gốm sứ, mây tre, sơn mài…

1. Sự du nhập các loại rau, củ

Thế kỷ 6, do ảnh hưởng của Trung Hoa và bán đảo Triều Tiên, một số các loại rau khác gồm củ cải trắng, cà rốt du nhập vào Nhật Bản. Thói quen ăn thịt và uống sữa được tồn tại cho đến cuối thế kỷ 7, nhưng khi có sự xuất hiện của các nhà sư (cùng với sự xuất hiện của Phật giáo) việc ăn thịt đã bị hạn chế và bị cấm vào thế kỷ 8. Ảnh hưởng của Trung Hoa vào ẩm thực Nhật Bản vẫn duy trì mạnh cho đến 3 thế kỷ sau đó. Khoảng đầu thế kỷ 8, người Nhật học được nghệ thuật rán bằng dầu của Trung Quốc và học được cách làm tofu (đậu hũ) và cách chế tác đũa. Chủ nhân của nước tương cũng là người Trung Hoa và vào thế kỷ 8 – 9, nước tương được du nhập vào các vùng đất Châu Á. Nước tương ngày nay của Nhật Bản là sản phẩm được ra đời vào thế kỷ 15. Từ Trung Hoa, trà được đưa vào Nhật vào thế kỷ 9, nhưng dần bị lu mờ, và được phục hồi với tinh thần của Thiền tông vào cuối thế kỷ 12.

Thời kỳ Heian (794 – 1185) là thời kỳ mang lại sự phát triển với phong cách riêng cho ẩm thực Nhật Bản. Sự dời kinh từ Nara về Kyoto cộng với sự phát triển của giới thượng lưu đã đem lại luồng sinh khí cho nghệ thuật, thơ văn, nghệ thuật ẩm thực, và các hình thức giải trí. Một bữa ăn tối thịnh soạn đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống người Nhật, nhất là giới thượng lưu Nhật Bản lúc bấy giờ trở nên quen với thói quen ăn 2 bữa một ngày với những bữa ăn phụ giữa bữa ăn bằng các loại bánh snacks. Các bữa ăn được chuẩn bị một cách tỉ mỉ, chu đáo và hấp dẫn hơn. Thế kỷ 10, các món ăn của Nhật Bản được tô điểm thêm bằng các loại rau quả khác như củ cải tròn, mù tạc lá, dưa leo, cà tím, và các loại dưa khác.

2. Ra đời món ăn chay

Năm 1185, chính quyền dời về Kamakura, nơi được cho là tiêu biểu cho cuộc sống của các võ sĩ samurai và các nhà thiền sư, và cũng là nơi ra đời những món ăn đơn giản hơn. Nơi đây, cũng ra đời shojin ryori (món ăn chay) cũng do ảnh hưởng bởi các nhà sư Trung Hoa với cách nấu của các thiền viện Trung Hoa. Món ăn chay Nhật Bản chú trọng vào 5 màu sắc cơ bản: xanh, đỏ, vàng, trắng và đen tím, và 6 vị: đắng, chua, ngọt, nóng, cay và vị thơm ngon. Đây là cách nấu ăn rất quan trọng và vẫn còn ảnh hưởng cho đến ngày nay từ mùi vị, khẩu vị cho đến cách nấu. Shojin ryori đã dẫn đến sự phát triển của món cha kaiseki (món ăn được dọn ra trước buổi trà đạo) vào thế kỷ 16.




3. Ảnh hưởng từ phương Tây

Sự giao thương của Nhật Bản với các nước bên ngoài từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16, cũng đem đến cho Nhật Bản những ảnh hưởng mới. Vào thế kỷ 16, từ Campuchia, những người Bồ Đào Nha đã đem văn hoá châu Âu vào Nhật Bản cùng những loại rau khác từ Tân thế giới và những vùng khác từ châu Á như kabocha (bí đao). Sau đó, các loại bắp, khoai tây, khoai lang, đậu tây được đưa vào Nhật Bản. Kỹ thuật nấu ăn của người phương Tây thật sự đã đem lại sự hứng thú mới trong cách nấu ăn của người Nhật.

Từ tiếng Bồ Đào Nha “pao” đã đem lại từ pan (bánh mì) trong vốn từ vựng của Nhật Bản. Cũng chính người Bồ Đào Nha được cho là có công khi giới thiệu món tempura (xuất phát từ templo, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là đền thờ) nổi tiếng (món lăn bột chiên). Chẳng bao lâu sau, tempura được truyền khắp nước, đem lại món ăn ưa thích vừa có nguồn gốc Trung Quốc, vừa có nguồn gốc Châu Âu.

Suốt thời kỳ Edo (1603 – 1857), Nhật Bản đã trải qua 3 thế kỷ đóng cửa với thế giới bên ngoài. Đây là thời gian Nhật Bản “tự nhìn lại chính mình”, chắt lọc nghiêm túc tinh hoa thế giới, và các nhà thương nhân giàu có của Nhật Bản trở nên sành điệu với những thị hiếu trong ẩm thực và nghệ thuật. Các nhà hàng Nhật Bản sinh sôi nảy nở trong suốt thời gian này và nigiri – zushi (cơm bọc các loại hản sản nướng) đã được ra đời.

Thời kỳ Meiji (1868 – 1912) đánh dấu sự giao thương mở cửa trở lại của Nhật Bản với bên ngoài. Cuối thế kỷ 19, thịt bò được phép đưa trở vào thực đơn và đến đầu thế kỷ 20, những gia vị nước ngoài như bơ, cà ri, kem, cà phê… bắt đầu được thịnh hành tại Nhật Bản. Phong trào canh tân và Âu hoá tiếp theo cũng đem cải bắp, củ hành, ngô, măng tây, cà chua từ châu Mỹ và châu Âu đến Nhật. Chẳng bao lâu sau, Nhật Bản bắt đầu trồng những loại rau này trong nước, cùng với dưa, dâu tây và các loại trái cây khác.

Những năm sau đó, nồi cơm điện, mì ăn liền, mì ly, miso soup (soup miso ăn liền), và các loại thức ăn làm sẵn xuất hiện trong nhà bếp người Nhật. Hàng loạt các chương trình nấu ăn được giới thiệu trên đài truyền hình và trên các sách dạy nấu ăn chứng tỏ rằng cách nấu ăn hiện đại đã thu hút sự chú ý của người Nhật.

Người Nhật Bản luôn có chí hướng tiếp thu ảnh hưởng từ bên ngoài vào hương vị bản địa và vẫn luôn duy trì đặc trưng riêng: duy trì sự gặp gỡ Đông - Tây trong ẩm thực. Có thể thấy điều này qua món kem trà xanh Nhật Bản, khoai tây chiên với hương vị rong biển…

II. ĐẶC ĐIỂM ẨM THỰC NHẬT BẢN : “Thưởng thức bằng mắt”

Tính đặc trưng và hấp dẫn nhất của ẩm thực Nhật Bản có thể được cho là sự thể hiện một cách đầy đủ tính thẩm mỹ trong các món ăn qua các giác quan: thị giác, khứu giác, và vị giác. Có lẽ chính vì thế mà các nhà hàng Nhật Bản ở nước ngoài đã từng là nơi lui tới thường xuyên của những người đang xa nhà, những thương nhân đi công tác dài hạn ở nước ngoài muốn nhớ lại hương vị của quê nhà. Không chỉ thoả mãn tính thẩm mỹ, ẩm thực Nhật Bản còn đáp ứng được nhu cầu về sức khoẻ: ít béo, ít ngọt, và sử dụng nhiều các loại rau đậu, và do đó món ăn Nhật Bản đang ngày càng được phổ biến khắp thế giới. Cũng có thể vì đặc điểm này đã giúp cho người Nhật có tuổi thọ cao. Người Nhật vốn yêu thích sự thay đổi rõ ràng của thời tiết, sống hoà hợp với thiên nhiên bốn mùa và luôn thưởng thức những loại thức ăn mà thiên nhiên mang lại theo từng mùa quanh năm.

1. Nguồn thực phẩm chính: Rau – Cá

1.1. Rau:

Rau chiếm tỉ lệ tiêu thụ nhiều trong thực phẩm Nhật Bản. Có thể nói hàng năm, người Nhật tiêu thụ trung bình rau nhiều hơn dân chúng ở các nước công nghiệp: 105,2 ký so với Đức 95,5 ký, Anh 92,8 ký. Rau ở Nhật Bản cung cấp 47,4% tất cả lượng sinh tố A, 59,3% sinh tố C, 18,3% chất canxi, và 19,2% chất sắt. Tất cả tỉ lệ này đều cao hơn của Mỹ hay của Anh, cho thấy tầm quan trọng của rau về dinh dưỡng trong chế độ ăn uống của người Nhật.

Trở về tìm hiểu đời sống cách đây 5000 năm ở quần đảo Nhật Bản (từ thời Thượng tới Trung Jomon), các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số những giống cây được trồng vào thời đó như bầu, egoma, đậu xanh. Ngoài ra cư dân trong khu vực còn hái những loại rau hoang như dưa hoang, hành nobiru, fuki, udo và warabi. Cùng với tiến trình lịch sử, nhiều chủng loại rau được đưa vào Nhật Bản làm phong phú thêm cho món ăn của người Nhật. Ngày nay người Nhật có vô số loại rau để lựa chọn. Người ta lại ăn nhiều rau sống hơn.

1.2. Cá:

Với lợi thế về mặt địa lý, Nhật Bản đã được thiên nhiên ưu ái cho một nguồn tài nguyên biển phong phú, nên từ xưa việc nấu nướng đã đề cao tầm quan trọng của hải sản. Thật khó mà tưởng tượng cuộc sống ở Nhật Bản nếu không có hải sản. Các nhà khảo cổ đã khai quật một ụ đất chứa vỏ sò ở tỉnh Kanagawa, gần Tokyo, được cho là ụ đất cổ nhất ở Nhật, và tìm thấy những lưỡi câu và những cây lao móc. Ụ đất, gọi là natsushima kaizuka, cho thấy người Nhật đã sử dụng những công cụ như thế để đánh bắt cá ít nhất là 9.000 năm trước đây.

Ngày nay, mức tiêu thụ hải sản bình quân hàng năm của Nhật đứng hàng thứ tư trên thế giới, tổng cộng khoảng 8,5 triệu tấn. Ngành công nghiệp đánh bắt cá của Nhật đã mang về 6,626 triệu tấn, trị giá 1.986, 8 tỷ Yên. Mặt khác, hải sản nhập khẩu vào Nhật đang gia tăng. Năm 1999, lượng nhập khẩu lên tới 3,416 triệu tấn, trị giá 1739, 5 tỷ Yên, chiếm 26% trong tổng giá trị thương mại quốc tế về hải sản, biến Nhật Bản thành thị trường hải sản lớn nhất về thế giới. Năm mặt hàng hải sản hàng đầu được nhập vào Nhật Bản la cá ngừ, tôm, cá hồi, cá tuyết và cua.




Các đầu bếp Nhật Bản có rất nhiều cách để làm các món ăn bằng cá và các loài sò ốc như từ món sống sashimi, kho, nấu, nướng, chiên giòn như tempura…Hải sản giờ đây đã trở thành món ăn thường ngày của gia đình người Nhật. Một người Nhật Bản từng nói rằng, nhìn trên mâm cơm của Nhật Bản, ta có thể liên tưởng đến “có một chút gì đó của núi, và một chút gì đó từ biển cả”. Núi tượng trưng cho các loại rau cùng với món chính là gạo. Biển không gì khác hơn đó là nguồn hải sản, nhất là cá vì cũng giống như tổ tiên của họ từ nhiều thế kỷ trước, người Nhật rất thích ăn cá. Ebisu và Daikoku là hai vị thần trong số bảy vị thần may mắn (shichi fukujin), và cả hai đều được thờ cúng tại các nhà bếp. Ebisu là thần đánh cá, còn Daikoku là thần lúa gạo. Những dịp lễ hội được kỷ niệm bằng việc ăn cá tráp biển hoặc trai, và mỗi vùng chế biến các món hải sản ngon miệng theo cách độc đáo của mình.

2. Món ăn ưa thích: Mì

Mặc dù gạo là nguồn tinh bột chính, nhưng người Nhật lại rất thích ăn mì. Mì Nhật Bản có nhiều loại khác nhau, từ loại udon (làm bằng bột mì) to bản đến loại soba (làm bằng kiều mạch) nhỏ xíu. Ramen (mì Trung Hoa) cũng rất phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ. Mì hầu như trở thành món ăn quốc hồn quốc tuý của Nhật Bản.

Ramen có nguồn gốc từ Trung Hoa, trước đây gọi là chuka-soba (mì Trung Hoa), được người Nhật biết đến vào những năm 1910. Có nhiều giả thuyết về từ ramen, có thể nó được bắt nguồn từ chữ Hán “ra” và “men” có nghĩa là “kéo dài” và “mì”. Ramen là một món ăn đơn giản, gồm mì với nước lèo có hương vị xì dầu, bên trên xếp xá xíu, chả cá naruto, măng muối chua, và rau.




Mì soba xuất hiện lần đầu tiên vào giữa thập niên 1500. Đến khoảng thập niên 1600, khắp nơi trên Nhật Bản ăn món mì này. Mì soba với các món soba hấp (mushi-soba), là bữa ăn nhẹ và nhanh chóng được phổ biến. Mushi-soba được làm bằng cách luộc mì lên, rửa nhanh bằng nước ấm, sau đó đem hấp trong thùng làm bẵng liễu gai.




Ngoài ra còn có loại mì mori-soba (rửa qua nước lạnh sau khi luộc, rồi đặt trên một cái tráp nan tre)




và món mì kake-soba (mì bỏ trong tô lớn có đổ nước dùng nóng lên trên).




Gần đây còn có loại mì tane-mono (mì với một miếng tempura, đậu hũ mỏng chiên vàng, các loại rau dai, thịt.




3. Đặc sắc món ăn theo vùng

Quần đảo Nhật Bản trải dài từ bắc xuống nam, nằm trong khu vực khí hạäu ôn đới và cận nhiệt đới nên thời tiết thay đổi khác nhau tuỳ theo từng vùng. Các món ăn theo mùa, từ điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Hokkaido phương Bắc cho đến vùng khí hậu nhiệt đới Okinawa ở phương Nam đã đem lại cho vùng đất Nhật Bản nhiều món ăn phong phú.
Nếu như ở Hokkaido với những vùng đất rộng lớn và lạnh lẽo khó thể trồng lúa được thì người dân nơi đây đã quen với hương vị của khoai tây, bắp, thịt nướng, cá hồi…Món ăn được cho là đặc biệt của vùng này là món mì Trung Hoa được dùng chung với bơ. Lẩu hải sản với tôm, cá hồi, mực cũng được cho là món ăn đặc biệt của vùng.




Đến vùng Kanto (trung tâm xung quanh Tokyo và Yokohama), Kansai (Kyoto, Osaka) sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt trong ẩm thực Nhật Bản. Nếu như nước canh trong chén soup miso ở vùng Kansai gần như có màu trắng, thì màu canh soup miso của vùng Kanto lại có màu nâu đậm hơn và hơi đỏ. Món ăn ở phía Đông và Tây của Nhật Bản còn khác nhau ở hương vị trong món Sushi, bánh kẹo và các loại đồ chua. Món ăn vùng Kyoto với hương vị thanh thoát, nhẹ nhàng của món ăn cung đình, trong khi món ăn vùng Tokyo được chế biến đậm đà hơn với dầu đậu nành.




Kyushu nổi tiếng với trà, trái cây và các loại hải sản. Nơi đây còn đậm nét ảnh hưởng từ Trung Quốc và phương Tây vì Nagasaki đã từng đóng vai trò trung tâm buôn bán giữa Nhật Bản với thế giới bên ngoài. Khách đến thăm thành phố này chắc sẽ không bỏ qua món bánh xốp kasutera.




Tại hòn đảo cực nam Okinawa, những món ăn truyền thống độc đáo có được nhờ tiếp xúc với Trung Quốc và Đông Nam Á vào thời vương quốc Ryukyu, kéo dài hơn 400 năm. Món ăn điển hình của Okinawa là goya chanpuru (món xào hỗn hợp gồm khổ qua, đậu hủ, thịt lợn, giá).




Người ta cho rằng chanpuru có lẽ là từ Indonesia, campur có nghĩa là món hổ lốn. Cũng do ảnh hưởng Trung Quốc, thịt heo là thành phần chủ yếu trong nhiều món ăn tại đây. Môi trường địa lý cũng ảnh hưởng đến cách chọn lựa món ăn, chủ yếu là cá, tôm cua và sò ốc và rong biển. Okinawa còn nổi tiếng với các loại bánh kẹo được chế biến từ đường, dứa và đu đủ.

4. Đặc sắc món ăn theo thời tiết

Không chỉ thay đổi theo vùng, mà ngay tại mỗi vùng, tuỳ theo thời tiết, người Nhật thưởng thức các loại món ăn khác nhau. Dân tộc Nhật Bản đặc biệt nhạy cảm với sự thay đổi của cảnh quan thiên nhiên và thời tiết. Vẻ đẹp của bốn mùa được ca ngợi trong các thơ văn và thể hiện trong ẩm thực Nhật Bản. Điều này không chỉ phản ánh ẩm thực Nhật Bản gắn liền với yếu tố thiên nhiên, mà còn nói lên người Nhật biết tận dụng để thưởng thức những gì “tươi nhất, ngon nhất” tuỳ theo sự thay đổi của khí hậu.

Tại Nhật Bản, các ngày lễ và lễ hội diễn ra hầu như quanh năm, và sẽ có những loại món ăn thích hợp dành cho các ngày lễ này: món bánh dày hình thoi, bánh bột gạo tẩm đường được xếp trên bàn bày toàn búp bê dành cho ngày lễ bé gái vào ngày 3 tháng 3, món bánh dango được chế từ bột gạo cho ngày hội ngắm trăng vào tháng 9.


Dango


Quan trọng nhất vẫn là món ăn ngày Tết được gọi là Osechi ryori, một loại món ăn đặc biệt được dùng trong tuần lễ đầu tiên của năm. Và còn nhiều loại món ăn khác bánh làm từ bột gạo như mochi ăn với soup ozoni được ăn vào sáng ngày đầu tiên của năm mới.

Hoa anh đào nở rộ báo hiệu mùa xuân đến. Nhiều nhà hàng hàng đầu của Nhật Bản sẽ phục vụ với chén trà hoa anh đào với vài cánh hoa anh đào bồng bềng trong chén nước. Lễ hội ngắm hoa anh đào tưng bừng với các loại cơm hộp obento với các món ăn mang đậm hương của hoa anh đào và thật ra thì vào mùa này người ta nói đến rượu sake nhiều hơn cơm hộp obento.




Trong mùa hè nóng bức, người Nhật thường ăn món lươn nướng vì cho là món ăn này sẽ cung cấp nguồn năng lượng cần thiết để chống chọi với khí hậu nóng ẩm. Mùa hè cũng là mùa để ăn các món ăn mực, rau và hoa quả tươi. Đặc biệt trong mùa hè người Nhật thường nhấm nháp ly bia bên đĩa edamame, một loại đậu luộc có màu xanh trong đêm mùa hè nóng bức.




Mùa thu đến là người Nhật chuyển sang ăn món mì soba, các loại nấm nhất là nấm matsutake. Cuối thu thường là thời gian để dành rau quả cho mùa đông sắp đến. Nhiều loại đồ chua được chế biến với dấm, muối để dự trữ đồ ăn cho mùa đông.





Onabe, món lẩu nghi ngút khói thường được ăn vào mùa đông để giảm đi cảm giác lạnh lẽo, để sưởi ấm lòng người.




Vào ngày cuối cùng của năm, người Nhật thường ăn mì toshikoshi có sợi dài với lòng tin rằng những sợi mì dài sẽ đem lại trường thọ và sức khoẻ dồi dào trong năm mới.

4. Bí quyết chuẩn bị món ăn tại nhà

Có thể nói bí quyết để chuẩn bị ho món ăn tại nhà của người Nhật đó là sự hiểu biết về những thành phần chính của món ăn, và món ăn đó được kết hợp như thế nào, chứ cách nấu nướng thì thật ra rất là đơn giản. Nhưng điều quan trọng nhất và cũng rất đơn giản nhất đó là tình cảm của người chuẩn bị đối với một món ăn cộng với một chút khéo léo để món ăn “bắt mắt” hơn. Cách trình bày thức ăn Nhật Bản phản ánh tính cách và văn hoá của người Nhật. Một món ăn luôn được trình bày sao cho vui mắt và kích thích sự thèm ăn.

Ngoài ra sức hấp dẫn của ẩm thực Nhật Bản còn thể hiện qua sự phong phú của các loại dụng cụ nhà bếp. Bếp Nhật Bản được cho là sự kết hợp giữa chiếc nồi cơm điện hiện đại với các loại đựng thức ăn truyền thống bằng đất, mây tre, sơn mài, gỗ, thuỷ tinh với nhiều màu sắc và nhiều kiểu dáng khác nhau. Họ dùng nhiều loại đĩa bát với đủ mọi hình dạng khác nhau từ trước khi người phương Tây vượt qua được cái giới hạn chặt chẽ của mình đối với các loại đĩa tròn. Sự sắp xếp, trưng bày món ăn của Nhật Bản là một nghệ thuật kích thích sự tưởng tượng và sáng tạo của đầu bếp. Nếu món ăn có hình tròn thường sẽ được trưng bày trong một loại đĩa hình vuông hay tam giác, và ngược lại như muốn đem lại sự cân đối trong tính thẩm mỹ. Mỗi món ăn được trưng bày mang đầy tính nghệ thuật, vừa để kích thích sự ngon miệng, tăng tính thẩm mỹ đẹp mắt và tạo sự gần gũi với thiên nhiên (sử dụng các loại đĩa có chất liệu bằng tre, đất, gỗ).




III. THỨC ĂN NGÀY TẾT CỦA NHẬT BẢN: “Cầu may mắn”

Nhật Bản ăn Tết theo dương lịch. Những ngày đầu tháng giêng là thời gian quan trọng nhất trong năm của người Nhật. Vào năm mới, người Nhật cúng Thần ngũ cốc với tâm niệm vị thần năm mới này sẽ cho một vụ bội thu.Trong những ngày cuối năm, họ dọn dẹp nhà cửa, trang trí kadomatsu (được làm từ một cành thông cùng tre và mai để đón Thần năm mới) trước cổng và shimekazai (có ý nghĩa đuổi quỷ trừ tà) trên cửa ra vào và bàn thờ. Bánh dày kagamimochi được bày trên tokonoma là góc trang trọng trong nhà, được coi là chỗ ngồi của Thần. Bánh này được làm từ loại gạo nếp mà người ta tin rằng mang hồn cây lúa.

Osechi là những đồ ăn ngon được chuẩn bị với các món nấu, món trộn dấm, món nướng làm từ hải sản, thịt và các loại rau với hương vị và màu sắc phong phú cùng thành phần dinh dưỡng hợp lý. Mỗi nguyên liệu lại mang một ý nghĩa riêng hàm chứa lời cầu chúc một năm mới nhiều may mắn: cá tráp mang ý nghĩa may mắn, rong biển với ý nghĩa vui mừng, đậu có ý nghĩa mạnh khoẻ, trứng cá trích – con cháu đông đúc, ngó sen – nhìn xa trông rộng, tôm – sự trường thọ. Osechi thường được xếp trong một hộp sơn Nhật 4 cạnh. Osechi được chế biến bằng phương pháp và nguyên liệu để lâu được nhằm giảm công việc nội trợ trong khoảng ba ngày Tết.

Thức ăn ngày Tết có thể khác nhau tuỳ mỗi vùng và mỗi nhà. Món ăn cổ truyền trong dịp Tết còn gồm các món dưới đây.

Món khai vị iwai – zakana. Món này thường được đặt trên cái đĩa hình hagoita (vợt chơi cầu lông vào dịp Tết), và gồm 3 món: tazukuri, kazunoko, kuromame.





Tazukuri là món cá xac-đin nhỏ sấy khô tẩm đường và nước tương. Ngày xưa người ta thường dùng bã cá xac-đin để bón phân cho ruộng lúa. Tazukuri (làm ruộng) nói lên hy vọng được mùa.




Món kazunoko là món trứng cá trích muối. Chúng được nhúng nước rồi ướp rượu sake và nước tương. Món kazunoko (nghĩa đen là con cháu đông đúc) nói lên hy vọng sinh được con đàn cháu đống.




Món kuromame màu đen, một loại đậu phụ, đã được luộc và tẩm đường. “Mame”vừa có nghĩa là “đậu”, vừa có nghĩa là “sức khỏe tốt”.




Ngoài ra còn có món nấu zouni gồm bánh bột nếp mochi (dùng để cúng), rau, thức ăn biển, và thịt gà. Món soup này có những lát củ cải trắng và cà rốt thái mỏng buộc với nhau, để có được màu đỏ và trắng là những màu lễ hội cổ truyền Nhật Bản. Người ta tỉa các nguyên liệu theo hình cánh hoa, nhuộm màu sau đó bày biện thật đẹp để mừng năm mới.




Bánh dày của từng vùng cũng khác nhau, đại để vùng Tây Nhật Bản làm bánh hình tròn còn vùng Đông Nhật Bản lại làm bánh hình vuông.



( Theo Mandy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét